Bệnh cầu trùng (coccidiosis) là một trong những bệnh phổ biến gây thiệt hại kinh tế cho chăn nuôi gia cầm. Gà mắc bệnh do nuốt phải noãn nang cầu trùng với các biểu hiện tiêu chảy, viêm ruột, gày yếu, sã cánh, chậm lớn, tăng tỷ lệ hao hụt đàn. Điều kiện nuôi dưỡng kém là yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc và thiệt hại do bệnh. Nguy cơ mắc bệnh cao nhất ở gà từ 3 đến 18 tuần tuổi trong khi gà con mắc bệnh có tỷ lệ chết cao hơn gà lớn. Nhiễm cầu trùng thường ghép với nhiễm nhiều mầm bệnh khác. Cho đến nay, bệnh vẫn lưu hành và gây ảnh hưởng lớn ở Việt Nam do sự đa dạng về hình thức nuôi, quy mô nuôi và hạn chế áp dụng các phương pháp chẩn đoán bệnh.
Dùng thuốc là biện pháp chính để giám sát cầu trùng. Tuy nhiên, thuốc không những tăng chi phí chăn nuôi mà còn dẫn đến giảm tính mẫn cảm thuốc và hình thành khả năng kháng thuốc của cầu trùng, tác động xấu đến cơ thể gà, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chính vì vậy, phòng và trị bệnh dựa trên tương tác mầm bệnh và vật nuôi ngày càng được chú trọng. Hệ vi sinh vật đường ruột và cấu trúc niêm mạc ruột của gà được coi như những hàng rào bảo vệ đầu tiên. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh probiotic có tác dụng kích thích sinh trưởng, giảm tỷ lệ mắc hội chứng tiêu chảy thông qua tác động đến hệ vi khuẩn đường ruột và cấu trúc biểu mô ruột. Một số nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của Bacillus, Saccharomyces boulardii, một số Lactobacillus, Pediococcus acidilactici, Enterococcus faecium và Bifidobacterium animalis đến cầu trùng.
I/ Nghiên cứu được thực hiện nhằm:
– Đánh giá tác dụng của probiotic (Bio Plus 11) chứa vi khuẩn dạng bào tử đến tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm noãn nang cầu trùng vào 28 và 40 ngày tuổi.
– Đánh giá tác dụng phối hợp thuốc điều trị cầu trùng và probiotic bào tử đến tỷ lệ sạch noãn nang cầu trùng vào thời điểm 7 tuần tuổi
– Xác định tác dụng của probiotic bào tử đến hình thái và kích thước vi thể lông nhung biểu mô ruột non, một trong các tác dụng hạn chế nguy cơ mắc bệnh cầu trùng.
II/ Kết quả
– Tác dụng của probiotic đến tỷ lệ và cường độ nhiễm cầu trùng kết quả được thể hiện trong bảng 2. Từ kết quả thu được cũng cho thấy yếu tố giống vật nuôi không có ảnh hưởng rõ đến tác dụng của probiotic qua 2 chỉ tiêu tỷ lệ và cường độ nhiễm cầu trùng của gà trong nghiên cứu này.
– Tác dụng phòng bệnh cầu trùng của probiotic khi dùng phối hợp với thuốc ở bảng 3. Kết quả thí nghiệm này cho thấy tác dụng phòng và phối hợp với thuốc trong điều trị bệnh cầu trùng gợi ý các phương pháp thay thế một phần hay thay thế hoàn toàn dùng thuốc điều trị bệnh này.
– Tác dụng của chế phẩm probiotic bào tử đến lông nhung ruột non (hình 1, 2, 3, 4, 5). Quan sát dưới kính hiển vi (hình 1) cho thấy lông nhung tá tràng của gà được bổ sung probiotic (hình trái) đồng đều hơn so với của nhóm đối chứng (hình phải). Các lông nhung cũng có xu hướng thẳng hơn, cả phần đáy, thân và đỉnh rõ ràng hơn của gà đối chứng.
Lông nhung tá tràng có hai dạng hình lưỡi và hình lá. Quán sát các tiêu bản vi thể cho thấy ở không tràng, lông nhung ngắn hơn và rộng hơn lông nhung của tá tràng. Đỉnh lông nhung tù và đáy lông nhung rộng hơn lông nhung của tá tràng (hình 2).
Trên các tiêu bản quan sát trong thí nghiệm này thấy hầu hết các lông nhung hồi tràng có đỉnh tù và đáy rộng. Hồi tràng có nhiều tế bào hình đài hơn ở tá tràng và không tràng (hình 3).
Lông nhung tá tràng và lông nhung không tràng của gà được bổ sung chế phẩm có cấu trúc rõ ràng hơn lông nhung biểu mô của gà nhóm đối chứng. Một số lông nhung biểu mô ruột non gà nhóm đối chứng có phần đỉnh không toàn vẹn. Đây là những đặc điểm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng và nguy cơ nhiễm bệnh do vi sinh vật đường ruột và cầu trùng.
Về kích thước lông nhung biểu mô: Bổ sung chế phẩm làm chiều cao lông nhung tăng rõ rệt ở tá tràng và không tràng.
III/ Kết luận
Bổ sung Probiotic làm giảm tỷ lệ và cường độ nhiễm cầu trùng, đặc biệt làm giảm tỷ lệ mẫu nhiễm ở cường độ 4+.
Chế phẩm làm tăng tỷ lệ sạch noãn nang khi dùng phối hợp với các thuốc điều trị cầu trùng đang được dùng phổ biến hiện nay.
Chế phẩm làm tăng tính toàn vẹn của biểu mô ruột non, làm tăng chiều cao lông nhung biểu mô tá tràng (tăng 34,51%) và không tràng (tăng 28,73%) so với những chỉ tiêu này của gà đối chứng. Chiều cao lông nhung hồi tràng không thay đổi dưới tác dụng của chế phẩm. Probiotic không làm thay đổi chiều rộng lông nhung biểu mô của các đoạn ruột, nhưng làm tăng tỷ lệ chiều cao/chiều rộng lông nhung tại tá tràng và không tràng. Tác dụng của chế phẩm đến biểu mô ruột là một trong các cơ chế dẫn đến tác động cải thiện tình trạng nhiễm cầu trùng của gà.
**************************************************